Basedow – các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết

Basedow, hay còn gọi là bệnh bướu cổ lồi mắt, bướu cổ độc tính v.v…Trong các bệnh tuyến giáp, Basedow là bệnh hay gặp và điều trị phức tạp nhất.

Untitled 1PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam- Cố vấn Bệnh viện quốc tế Minh Anh cho biết: Basedow, hay còn gọi là bệnh bướu cổ lồi mắt, bướu cổ độc tính v.v…  là một bệnh nội tiết bao gồm các biểu hiện lâm sàng chính như sau: bệnh nhân có bướu giáp lan toả, phần lớn đều cả hai bên; hội chứng cường giáp không ức chế được; các biểu hiện ở mắt, phần lớn là lồi mắt.

Basedow là bệnh thường xảy ra ở phụ nữ, chiếm 80% các trường hợp, tuổi từ 20-50. Thường có tiền sử gia đình: trong gia đình nhiều người có biểu hiện bệnh ở tuyến giáp như bướu giáp đơn thuần, viêm tuyến giáp hoặc bệnh Basedow.

PHẦN 1: BASEDOW NHẬN DIỆN RA SAO ?

Đo chuyển hoá cơ bản

Trong xét nghiệm này, người ta đo mức độ tiêu thụ oxy của một người trong trạng thái nghỉ ngơi và thấy rằng: mức độ tiêu thụ oxy tăng trong cường giáp và giảm trong suy giáp. Đặc biệt trong bệnh Basedow, chuyển hoá cơ bản tăng rất cao. Đêm trước khi đo, bệnh nhân được ăn cơm với chuối và đường, ngày đo được chuyển xuống phòng thăm dò chức năng trên xe đẩy và thực hiện một số các yêu cầu về kỹ thuật khá phức tạp.

Trên lý thuyết, xét nghiệm này xem ra có vẻ lý tưởng. Thực ra thì nó rất dễ cho các sai số vì khó có thể thực hiện đầy đủ các yêu cầu cần thiết. Mức độ chính xác của xét nghiệm phụ thuộc rất nhiều vào người đo, trình độ của bệnh nhân và các thao tác kỹ thuật. Do đó, hiện nay trên thế giới và ở các thành phố lớn của nước ta, xét nghiệm này không được dùng để đánh giá chức năng tuyến giáp cũng như chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân Basedow nữa.

Định lượng hormone tuyến giáp trong máu

Hormone tuyến giáp lưu hành trong máu dưới hai dạng: tự do và liên kết, chúng tuân theo định luật cân bằng về khối lượng. Trong những thập kỷ trước, việc định lượng iode gắn với protein (PBI), được coi là xét nghiệm chính để đo nồng độ hormone tuyến giáp trong máu. Cũng tương tự như vậy, người ta còn định lượng iode chiết xuất được bằng butanol (BEI). Tuy nhiên, do dễ bị ảnh hưởng bởi lượng iode ngoại lai đem vào cơ thể, nên các phương pháp này ngày nay ít được dùng.

Phương pháp định lượng trực tiếp hàm lượng hormone tuyến giáp bằng phương pháp miễn dịch phóng xạ không cạnh tranh (RIA) và cạnh tranh (IRMA) là phương pháp xét nghiệm chính xác nhất, cho phép định lượng chính xác đến từng microgram. Tuy nhiên giá thành của phương pháp còn khá cao, đòi hỏi những phương tiện xét nghiệm hiện đại, trang thiết bị đắt tiền mà không phải cơ sở Y tế nào cũng có thể có được.

Với phương pháp này, hàm lượng T4 (Thyroxin toàn phần) vào khoảng: 58-148 nmol/L. Hàm lượng T3 (Tri iodothyronin toàn phần) là: 1,2 –2,8 nmol/L. Hàm lượng của TSH, là hormone do tuyến yên tiết ra để kích thích hoạt động của tuyến giáp là 0,1 – 4 mU/L.

Trong bệnh Basedow: hàm lượng hormone tuyến giáp là T3 và T4 tăng cao, hàm lượng TSH giảm, có khi xuống đến bằng 0. Các xét nghiệm này, không những dùng để chẩn doán xác định bệnh Basedow mà còn được sử dụng rất hữu hiệu trong việc đánh giía kết quả điều trị cũng như chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân.

Siêu âm tuyến giáp

Do vị trí gần da, tuyến giáp là cơ quan lý tưởng để khảo sát siêu âm và đã được khảo sát từ những năm 1950. Đến năm 1960 người ta đã có thể đo đúng kích thước tuyến giáp bằng siêu âm.

Năm 1970 trong các nghiên cứu độc lập, Blum và Ramusen đã nêu lên vai trò chính của siêu âm trong chẩn đoán phân biệt bướu giáp dạng đặc hay dạng nang. Kể từ đó đã có rất nhiều công trình nghiên cứu bằng siêu âm trên các dạng bệnh lý khác của tuyến giáp.

Năm 1985 siêu âm được du nhập vào thành phố Hồ Chí Minh và năm 1990 đã được Nguyễn Thy Khuê, Phan Thanh Hải  áp dụng trong chẩn đoán bệnh Basedow. Theo các tác giả này, việc phối hợp giữa siêu âm tuyến giáp và khám nghiệm lâm sàng kỹ lưỡng có thể giúp ích rất nhiều  cho chẩn đoán xác định bệnh Basedow và theo dõi điều trị các bệnh nhân ở tỉnh xa, nơi có máy siêu âm và bác sĩ chuyên khoa siêu âm nhưng các kỹ thuật đo lường về sinh hoá và phóng xạ chưa được phát triển, bệnh nhân không có phương tiện đến các trung tâm lớn để làm xét nghiệm. Dĩ nhiên các bác si lâm sàng không thể giao phó hoàn toàn cho siêu âm mà phải cân nhắc khi phân tích các dữ kiện để rút ra kết luận sau cùng.

Ưu điểm của phương pháp:

- Là một phương pháp khảo sát nhẹ nhàng không gây sang chấn, không làm mệt bệnh nhân vì thời gian khảo sát ngắn khoảng 5 phút, giá thành rẻ.

- Giúp phát hiện những bướu khó khám trên lâm sàng, nhất là trong các dạng bệnh Basedow thể vô cảm, bệnh nhân già, cổ nhăn nheo, kích thước tuyến giáp không lớn nhiều và triệu chứng lâm sàng không rõ ràng.

- Giúp đo thể tích chính xác và theo dõi diễn tiến sau điều trị: Siêu âm cho phép đo thể tích tuyến giáp khá chính xác, nhân với tỷ trọng tuyến giáp theo quy ước để tính ra lượng trọng luợng tuyến giáp, có thể so sánh với trọng lượng tuyến giáp lấy ra sau mổ để biết chính xác lượng tuyến giáp chừa lại có đúng hay không?

- Là phương tiện chẩn đoán dễ làm không đòi hỏi máy móc kỹ thuật phức tạp.

- Ngoài ra siêu âm cũng khảo sát được sự phù nề của các cơ vận nhãn, một đặc điểm trong chứng lồi mắt của bệnh Basedow.

Nhược điểm: chỉ là phương tiện chẩn đoán về hình thể, không cho phép khảo sát đúng chức năng tuyến giáp.

Siêu âm Doppler màu tuyến giáp

Năm 1996 các tác giả Daniela Castagnone, Roberto Rivolta đã dùng kỹ thuật siêu âm Doppler màu tuyến giáp để khảo cứu trên 56 bệnh nhân Basedow. Với kết quả đạt được trong quá trình nghiên cứu hai tác giả đã mạnh dạn đề nghị có thể dùng phương pháp chẩn đoán hình ảnh học này thay thế cho định lượng các hormone tuyến giáp trong việc đánh giá chức năng của tuyến giáp ở các giai đoạn của bệnh vì:

- Đây là một phương pháp chẩn đoán không xâm hại.

- Có thể nhìn thấy trực tiếp các mạch máu trong nhu mô tuyến giáp.

- Dễ dàng khi đọc kết quả và cho kết quả tức thì.

- Giá thành thấp so với các xét nghiệm khác. Ở Mỹ, giá thành của siêu âm Doppler màu tuyến giáp để khảo sát chức năng là 95 USD, trong khi giá thành của xét nghiệm đánh giá hàm lượng hormone tuyến giáp T3, T4 và TSH là 155 USD.

Chúng tôi cũng áp dụng phương pháp này cho 60 bệnh nhân Basedow, trong tổng số 245 bệnh nhân được mổ trong thời gian từ tháng 2 năm 1992 đến tháng 6 năm 1998 với kết quả rất tốt. Tuy nhiên giá trị của kỹ thuật này còn phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của người đọc và chất lượng của máy. Để kết quả có thể tin cậy được, nên đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên khoa về siêu âm Doppler màu tuyến giáp.

Xạ hình tuyến giáp bằng chất đồng vị phóng xạ

Iode 131 thường được dùng vì có ưu điểm là không đắt lắm và mức độ nhiễm bức xạ không đáng kể. Iode 123, rất lý tưởng vì thời gian bán hủy vừa phải, nhược điểm là đắt tiền và khó sản xuất vì cần đến máy gia tốc. Còn Technicium 99 (99mTcO4 ) ngày càng được dùng thông dụng vì các ưu điểm chính: liều dùng an toàn, lượng sản xuất dồi dào, thời gian có được xạ hình nhanh và hình ảnh rõ nét.

Tuy nhiên có sự khác biệt về kết quả giữa 99mTcO4 và iode đồng vị phóng xạ, nhất là khi xạ hình các bướu nhân tuyến giáp, làm khó khăn trong việc đánh giá bệnh lý.

Xạ hình tuyến giáp cho phép:

- Phát hiện các bất thường về hình dạng và kích thước của tuyến giáp.

- Các bất thường về vị trí.

- Basedow với tuyến giáp thòng xuống trung thất.

- Basedow với tuyến giáp lạc chỗ ở buồng trứng hay trong ổ bụng.

- Các bất thường về độ tập trung phóng xạ: nhân cố định ít tia xạ, nhân giảm xạ, nhân cố định nhiều tia xạ hay còn gọi là nhân tăng xạ.

Xạ ký tuyến giáp

- Xét nghiệm này rất hữu hiệu trong những trường hợp chẩn đoán phân biệt khó giữa bệnh Basedow với cường giáp thứ phát do tăng tiêu thụ Iode, với việc sử dụng nghiệm pháp Werner hay còn gọi là Test T: so sánh đồ thị của lần đo thứ nhất với đồ thị của lần đo thứ hai, sau khi cho 100 microgam T3/ngày để ức chế tuyến giáp trong 7-8 ngày. Kết quả: độ tập trung ở thời điểm giờ thứ 24, đo ở lần thứ hai, giảm ít ra 20% so với cùng thời điểm ở lần đo thứ nhất. Tuy nhiên có một số nhược điểm cơ bản khi áp dụng các xét nghiệm này:

- Đòi hỏi cơ sở vật chất kỹ thuật phức tạp, không phải bệnh viện nào cũng có thể trang bị được.

- Phụ thuộc nhiều vào thuốc đồng vị phóng xạ trong khi nguồn thuốc chưa thật ổn định.

- Giá thành một xét nghiệm còn cao, bệnh nhân phải đi xuống khoa Y Học Hạt Nhân nhiều lần.

- Không được dùng các chế phẩm có Iode trước đó hai tháng để tránh hiện tượng bão hòa của Iode.

- Chống chỉ định tuyệt đối ở những phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

Trong giai đoạn trước, chúng tôi thường sử dụng hai loại xét nghiệm này để chẩn đoán bệnh Basedow và đánh giá chức năng tuyến giáp để xét chỉ định mổ cho bệnh nhân. Ngày nay do một số nhược điểm quan trọng và nhất là đã có những phương pháp đánh giá chức năng và hình thể hữu hiệu và an toàn hơn nên chỉ nên dùng các xét nghiệm xạ hình và xạ ký tuyến giáp trong những trường hợp đặc biệt cần phân biệt giữa cường giáp nguyên phát với cường giáp thứ phát.

PHẦN 3: CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ (theo dõi số tiếp theo)

Bệnh Basedow – những điều cần biết: Phần 1: Nhận diện ra sao ?

►Lồi mắt trong bệnh bướu cổ cường giáp

►Khó thở do bướu cổ

►Săn sóc sau phẫu thuật cắt tuyến giáp qua nội soi

Phẫu thuật nội soi bướu cổ

►Bướu cổ khi nào thì mổ ?

►Chuyên đề bướu giáp: Nhận diện bướu lành, bướu độc ?

►Điều trị u tuyến giáp bằng sóng cao tần RFA

►Rối loạn tuyến giáp và những hệ lụy

Nguồn tin: Minh Anh